Câu 15: Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính được quy định như thế nào?
- Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
- Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.
- Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.
Câu 16: Hội đồng nhân dân giữ vị trí, vai trò như thế nào ở địa phương?
- Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
- Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
Câu 17: Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương?
1. Cơ cấu tổ chức:
- Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở thành phố trực thuộc trung ương bầu ra. - Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
- Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - ngân sách, Ban văn hóa - xã hội, Ban đô thị. Ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên, số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách”.
- Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
a. Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm:
- Trong tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật;
- Về xây dựng chính quyền;
- Trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường;
- Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao;
- Trong lĩnh vực y tế, lao động và thực hiện chính sách xã hội;
- Về công tác dân tộc, tôn giáo;
- Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
- Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp và văn bản của Hội đồng nhân dân cấp huyện.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
- Quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm cả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, phường trực thuộc.
- Quyết định quy hoạch về xây dựng và phát triển đô thị trong phạm vi được phân quyền.
- Quyết định các biện pháp phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong mối liên hệ với các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước theo quy định của pháp luật.
- Quyết định các biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị; điều chỉnh dân cư theo quy hoạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Câu 18: Cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân quận, huyện?
1. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp huyện:
- Hội đồng nhân dân cấp huyện gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở cấp huyện bầu ra. - Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trường ban của Hội đồng nhân dân huyện. Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
- Hội đồng nhân dân cấp huyện thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - xã hội; nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì thành lập Ban dân tộc.
Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện do Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định. Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp cấp huyện có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp huyện là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
- Các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp huyện:
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân huyện được quy định tại Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân quận được quy định tại Điều 47 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
- Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại Điều 54 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Câu 19: Cơ cấu, tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn?
1. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn:
- Hội đồng nhân dân xã, thị trấn gồm các đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri ở xã, thị trấn bầu ra.
- Thường trực Hội đồng nhân dân xã, thị trấn gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, thị trấn là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
- Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thành lập Ban pháp chế, Ban kinh tế - xã hội. Ban của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên của các Ban của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn hoạt động kiêm nhiệm.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị trấn:
- Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị trấn.
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thị trấn; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân thị trấn.
- Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của thị trấn trước khi trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách thị trấn; điều chỉnh dự toán ngân sách thị trấn trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách thị trấn. Quyết định chủ trương đầu tư chương trinh, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị trấn; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp. - Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân thị trấn bầu.
- Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. - Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã tương tự như nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị trấn, ngoài ra có thêm nhiệm vụ, quyền hạn: Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn xã.
Câu 20: Nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân là bao nhiêu năm? Kỳ họp Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?
1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau.
2. Kỳ họp Hội đồng nhân dân:
- Hội đồng nhân dân họp mỗi năm ít nhất hai kỳ.
- Hội đồng nhân dân họp bất thường khi Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu.
- Cử tri ở xã, thị trấn có quyền làm đơn yêu cầu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn họp, bàn và quyết định những công việc của xã, thị trấn. Khi trong đơn yêu cầu có chữ ký của trên mười phần trăm tổng số cử tri của xã, thị trấn theo danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tại cuộc bầu cử gần nhất thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân bất thường để bàn về nội dung mà cử tri kiến nghị. Đơn yêu cầu của cử tri được xem là hợp lệ khi có kèm theo đầy đủ chữ ký, họ tên, ngày, tháng, năm sinh và địa chỉ của từng người ký tên. Những người ký tên trong đơn yêu cầu được cử một người làm đại diện tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân bàn về nội dung mà cử tri kiến nghị.
- Hội đồng nhân dân họp công khai. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng nhân dân quyết định họp kín.